Hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Định có gần 20 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến giấy và bao bì, với giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng 150 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Ngành công nghiệp này được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển, nhưng thách thức cũng không ít.
* Nhiều cơ hội
10 năm qua, ngành công nghiệp chế biến giấy và bao bì của tỉnh đã phát triển khá ấn tượng. Từ chỗ phần lớn giấy và bao bì phải nhập khẩu hoặc mua từ các DN ngoài tỉnh, đến nay, ngành công nghiệp này không những đáp ứng cơ bản nhu cầu về bao bì của nhiều ngành kinh tế trong tỉnh mà còn cung ứng cho các DN ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Gần 20 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy và bao bì giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, với mức thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/tháng. Các DN đã có đủ khả năng sản xuất nhiều chủng loại bao bì, với mẫu mã đa dạng và chất lượng cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Dân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình (khu công nghiệp Phú Tài), cho biết: “Với các dây chuyền thiết bị khá hiện đại, đơn vị chúng tôi đã sản xuất được nhiều loại bao bì phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến thủy sản xuất khẩu…, với doanh thu mỗi năm đạt trên 15 tỉ đồng. Hiện, đơn vị có rất nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đồng Nai đến đặt hàng, nhưng do năng lực chưa đáp ứng được, nên chúng tôi chưa dám ký hợp đồng”. Nhiều đơn vị sản xuất bao bì khác cũng được khách hàng tín nhiệm, như Công ty CP Bao bì Miền Trung, Công ty TNHH Hiệp Phát, Công ty TNHH Hoàng Tâm, Công ty TNHH Tân Trung Đạt…
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã đẩy nhu cầu về giấy và bao bì trên thị trường tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng bao bì của các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, chế biến thủy sản xuất khẩu… tăng bình quân 15%/năm. Theo ông Nguyễn Đình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất giấy và bao bì Bình Định, hoạt động sản xuất và xuất khẩu phát triển càng mạnh thì nhu cầu bao bì càng lớn. Bên cạnh đó, quan niệm về bao bì đã thay đổi, nếu trước đây không mấy ai chú ý đến bao bì thì nay lại hoàn toàn khác. Do vậy, ngành công nghiệp này có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
* Lắm thách thức
Theo Hiệp hội Sản xuất giấy bao bì Bình Định, tình hình nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất giấy và bao bì hiện đang rất căng thẳng; nhiều DN rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn, thua lỗ do giá nguyên liệu tăng cao. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì chủ yếu là các loại giấy phế liệu, nhưng từ đầu năm đến nay, giá giấy phế liệu tăng đến trên 30% nên đẩy giá thành bao bì carton lên đến 9.000/m2, tăng 2.200 đồng/m2 so với năm 2009. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Dân cho biết: Giá giấy nguyên liệu tăng nhưng muốn mua cũng không có. Các nước ASEAN khi nhận được đặt hàng đều không thể đáp ứng, do nhu cầu giấy nguyên liệu trong nước họ cũng tăng cao. Đã thế, nguồn giấy trong nước ngày càng bị mất đi, do Việt Nam là nước xuất khẩu, bao bì sản xuất chỉ có đi ra mà không quay vòng để tái sản xuất trong nước.
Hiện tại, các DN sản xuất bao bì vẫn chưa thể tăng giá sản phẩm ở mức đủ bù đắp chi phí, vì khách hàng chưa dễ chấp nhận, do cũng đang gặp khó khăn vì nhiều hàng hóa đầu vào tăng giá. Các DN bao bì đã đề xuất, nhưng chỉ tăng được ở mức độ rất nhỏ. Còn lại, đa số DN đang cố gắng chịu lỗ để giữ khách hàng, cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Mặt khác, phần lớn các DN sản xuất giấy và bao bì trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ, vốn ít, năng lực sản xuất còn nhỏ bé, việc tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó khăn, nên cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì, mở rộng sản xuất...
Để tạo đột phá cho ngành sản xuất giấy và bao bì, theo nguyện vọng của nhiều DN, Nhà nước cần mở rộng tiêu chuẩn và chủng loại, cho phép nhập khẩu có kiểm soát các sản phẩm giấy phế liệu đã qua sử dụng. Các ngành chức năng cũng như các ngân hàng cần hỗ trợ các DN sản xuất giấy và bao bì trong việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, Hiệp hội Sản xuất giấy và bao bì Bình Định cần định hướng phát triển cho ngành công nghiệp này trong những năm tới; tăng cường phối hợp giữa các DN để hợp tác phân công hợp lý các nhóm sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất trùng lắp và tích tụ, gây thiệt hại cho các DN và lãng phí cho xã hội.
|